VietnamHoteliers.Forum
Một con chim én không thể làm nên mùa xuân, mời các bạn chung tay đóng góp bài viết về Qui trình nghiệp vụ hoặc Bài viết chuyên môn, nhằm làm phong phú thêm kho tài liệu chuyên môn quản lý khách sạn. Xin đừng thụ động, đừng đứng ngoài lề, ai biết chuyên môn nào thì tham gia chuyên môn đó, có kinh nghiệm lĩnh vực nào thì tham gia lĩnh vực đó, không chuyên môn, không kinh nghiệm thì cùng online để ủng hộ Vietnam Hoteliers
Henry Minh
VietnamHoteliers.Forum
Một con chim én không thể làm nên mùa xuân, mời các bạn chung tay đóng góp bài viết về Qui trình nghiệp vụ hoặc Bài viết chuyên môn, nhằm làm phong phú thêm kho tài liệu chuyên môn quản lý khách sạn. Xin đừng thụ động, đừng đứng ngoài lề, ai biết chuyên môn nào thì tham gia chuyên môn đó, có kinh nghiệm lĩnh vực nào thì tham gia lĩnh vực đó, không chuyên môn, không kinh nghiệm thì cùng online để ủng hộ Vietnam Hoteliers
Henry Minh


 
Remy Martin Coolte17Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Remy Martin

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 1165
Điểm Tổng Hợp : 8510
Điểm bài viết hay : 17
Join date : 13/05/2010

Remy Martin Empty
Bài gửiTiêu đề: Remy Martin   Remy Martin I_icon_minitime12th September 2010, 9:29 am

Công ty Rémy Martin đã mời một số nhà báo đi thăm “quê hương” của họ ở miền Tây Nam nước Pháp, chúng tôi tham dự cuộc thăm viếng này, được thấy rất nhiều điều mới lạ.

Sau một ngày thăm thành phố Paris và nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau xe buýt chờ sẵn chúng tôi trước cửa khách sạn Scribe để đến thăm làng Cognac cách thành phố Paris khoảng 500 cây số về phía tây nam. Xe đưa chúng tôi ra nhà ga Montparnasse để kịp chuyến xe lửa tốc hành TGV “Train De Grande Vitesse” trước 8 giờ sáng.
Quang cảnh trong nhà ga xe lửa nhộn nhịp không kém ngoài đường phố Paris. Người đi qua lại tấp nập, ồn ào lúc sáng sớm như vầy, giúp chúng tôi tỉnh táo ra dù bên ngoài bầu trời đang âm u như muốn mưa. Khi xe bắt đầu rời khỏi Paris, chúng tôi được ăn lót dạbánh Croissant, bánh táo và bánh nho do cô Chian Mei người đại diện công ty Rémy Martin, mua sẵn từ nhà ga. Bánh Francais có khác, ngon tuyệt cú mèo! Có người chưa muốn ăn vì không quen ăn quásớm, nhưng vì nghe mọi người khen ngon nên thử, khi thử rồi lại muốn ăn thêm. Nhóm Việt Nam chúng tôi còn kháo nhau mua mấy loại bánh này về làm quà thì quí vị phải biết bánh ngon như thế nào. Nghĩ lại thấy người Việt Nam mình thiệt dễ thương, dù đi đến đâu cũng không quên người thân, bạn bè, dù chỉ là một miếng bánh nho nhỏ...

Khi xe lửa thả chúng tôi xuống khoảng hơn 10 giờ ở ga Angouleme thì xe buýt của công ty Rémy Martin đã chờ sẵn, xe chạy thêm gần một tiếng rưỡi thì đến làng Cognac. Cô Gan Chian Mei giới thiệu anh Tim Banks, một tùy viên báo chí đại diện cho hãng Rémy Martin với mọi người. Cô Mei và anh Tim Banks hướng dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở, giải thích nguồn gốc và cách thức chưng cất rượu Rémy Martin, loại rượu mạnh nổi tiếng từ lâu đời.

Đầu tiên, cô Chian Mei và anh Tim Banks giới thiệu vùng đất Cognac với những cánh đồng trồng nho thẳng tắp, là nơi cung cấp nho cho các hãng rượu nổi tiếng, được nhiều người Việt Nam biết đến là hãng rượu Rémy Martin. Làng Cognac được đặt tên Cognac vào năm 1909, đến tháng Giêng 1938 thì được chia ra làm 6 vùng, bắt đầu từ vòng ngoài đến vòng trong cùng, theo thứ tự: Bois Ordinaires, Bons Bois, Fins Bois, Borderies, và hai vùng đất quan trọng nằm ở trung tâm làng: Petit Champagne và Grande Champagne. Rượu được đóng nhãn hiệu“Fine Champagne Cognac” phải được chưng cất từ thứ nho được trồng ở hai vùng này và phải có ít nhất 50% nho trồng ở Grande Champagne.

Để có thứ rượu nguyên chất “Eau-de-vie” tức là ruợu cất, hãng Rémy Martin phải chưng cất rượu hai lần với một hệ thống bình chưng cất bằng đồng cũ loại nhỏ chỉ chứa 2500 lít thay vì dùng loại bình mới, cỡ lớn có thể chứa đến 10,000 lít. Họ tin tưởng “Eau-de-vie” có hương vị thơm ngon hơn khi dùng loại bình nhỏ này. Rượu được đun nóng cho đến khi bốc hơi theo một ống dẫn nhỏ vào một bình chứa ở nhiệt độ bình thường. Sau 12 tiếng chưng cất lần thứ nhì lượng “Eau-de-vie” chỉ còn 70%. Chu kỳ chưng cất rượu được bắt đầu từ giữa tháng Mười Một cho đến ngày 31 tháng Ba hàng năm. Hãng rượu Rémy Martin là hãng duy nhất nấu và chưng cất rượu có cả xác nho vì họ cho rằng hương vị rượu sẽ đậm đà, nồng nàn hơn. Dù như vậy thì quá trình chưng cất phải kỹ lưỡng và công phu hơn vì nấu rượu còn xác nho rất dễ bị cháy khét.

Kế đó, chúng tôi được đưa đi thăm cơ sở bằng một chiếc xe nhiều toa, loại xe thường dùng chở du khách tham quan trong các vườn bách thú hoặc các công viên. Chúng tôi băng ngang những cánh đồng nho xanh mướt với những chùm nho nặng trĩu, mọng nước trông thật hấp dẫn. Nơi thì trồng nho xanh, nơi trồng nho đỏ, nho tím... Chính những trái nho nhỏ bé này đã làm cho rượu của hãng rượu Rémy Martin cũng như các hãng rượu khác nổi tiếng.

Xe đưa chúng tôi về khu nhà kho rộng lớn, mỗi căn có thể chứa vài ngàn thùng rượu. Khi xe chạy vào những căn nhà này, mùi ẩm thấp phảng phất nhưng bị át đi bởi men nồng cay của rượu, nếu ở lâu một chút trong những căn nhà kho này có lẽ tôi sẽ bị ‘say hương’ mất. Những thùng rượu ở đây được xếp rất thứ tự ngăn nắp. Cô Chian Mei say xưa thuyết trình về cách đóng thùng và cách tồn trữ rượu, tất cả được lưu trữ với nhiệt độ của thiên nhiên. Đặc biệt, những chiếc thùng chứa rượu được quấn lại bằng tay và khi đóng rượu vào, họ không hề dùng kim loại như đinh để đóng thùng vì sợ ảnh hưởng đến hương vị của rượu. Mỗi thùng được đánh số để nhận biết thời gian và giá trị hương vị của chúng. Mỗi nhà kho chứa được khoảng 6000 thùng, mỗi thùng chứa 350 lít, tương đương 93 ga-lông ở Mỹ.

Khi được đưa sang thăm quầy hàng bán rượu, chúng tôi không còn nhiều thì giờ nên chỉ coi thoáng qua, tuy vậy một số người cũng nhanh tay mua được vài chai rượu và những món quà lưu niệm. Sau đó chúng tôi vội vã ra xe để kịp bữa ăn trưa tại một khu nhà gần đó cũng thuộc về gia đình Rémy Martin. Đến nơi, chúng tôi được tiếp đón với những ly rượu cốc tai, rồi bữa ăn trưa với măng tây hấp rượu, cá hấp và rau xà lách trộn..., thức ăn Pháp quả là ngon, và đương nhiên, không thể thiếu vị rượu cognac.

Sau bữa trưa, chúng tôi được đưa đến một căn phòng chưng cất rượu khác. Cô Chian Mei hướng dẫn thêm cho chúng tôi cách thức thưởng thức rượu Rémy Martin, từ cách nâng ly rượu, lắc nhẹ, đưa phớt qua mũi để thưởng thức được những hương vị khác nhau: nồng cay (spice), thảo mộc, hương hoa và trái cây. Không ngờ uống rượu lại rắc rối như thế! Vậy thì cách uống rượu xưa nay của nhóm bạn chúng tôi là hỏng hết! Chúng tôi đã nuốt chứ không phải uống rượu, cứ cụng ly là rượu tuột vô nằm trong bụng rồi.

Rượu Rémy Martin có thể uống chung khi ăn kẹo sô-cô-la, các loại hạt (nut), phó mát và rất nhiều món khác. Nói chung, chiều hôm đó chúng tôi đã thử qua rất nhiều món có thể dùng chung khi uống rượu Rémy Martin. Trước khi được đưa về nghỉ tại một khách sạn nhỏ, cô Chian Mei và anh Tim Banks gởi tặng mỗi người một món quà từ gia đình Rémy, khỏi cần nói thì quý vị cũng đoán được món quà đó là gì rồi.

Buổi tối, chúng tôi được đãi ăn tại nhà hàng của một khách sạn do chính đầu bếp của công ty Rémy nấu. Không biết vì tay nghề anh cao hay nhờ men rượu ngon mà chúng tôi đã nhiệt tình ủng hộ các món ăn từ tay anh làm ra. Tôi cho là cả hai lý do, cộng thêm không khí sang trọng, ấm cúng của nhà hàng. Kỳ thực mấy món anh nấu ngon thiệt, bản thân tôi ăn rất tận tình, chén đĩa sạch sẽ.

Khi người hầu bàn khui chai Rémy Martin Extra rót vào ly, tôi cứ ngỡ cô tađang rót một thứ...mật o­ng!.. Chai Rémy Martin Extra đã được để trong tủ đá vài giờ đồng hồ cho thật lạnh nên khi rót ra ly trông thiệt là hấp dẫn và kích thích vị giác của tôi. Như đã nhắc với quý vị, tôi không sành về rượu nhưng thấy những giọt rượu đặc quắn đang được rót vào ly với màu rượu hổ phách sang trọng, óng ánh nổi bật dưới ánh đèn vàng Halogen cộng thêm vị cay đặc biệt và thơm ngọt nhẹ nhàng của rượu khiến tôi như mê như tỉnh nên đã làm phiền cô hầu bàn nhiều lần trong bữa ăn đêm đó!

Những người bạn mới quen của tôi, kể cả các cô trông có vẻ liễu yếu đào tơ cũng không ngần ngại cụng ly và “zô”â đều đều. Còn những anh có máu đa tình với rượu mạnh thì đây là dịp may để các anh tỏ tình với rượu. Hai loại rượu được đóng nhãn “Fine Champagne Cognac” là Rémy Martin Extra và Rémy Martin Excellence được chúng tôi ủng hộ nhiệt tình trong bữa ăn đêm đó. Anh Tim Banks cho biết một chai Extra giá ngoài thị trường khoảng 350 đồng USD. Chai mắc nhất là Louis XIII, giá khoảng 1600 đồng USD. Một anh trong đoàn đã lên tiếng yêu cầu được thử rượu Louis XIII nhưng đã được trả lời là chưa phải lúc, chắc phải chuyến đi thử rượu thứ nhì chúng tôi sẽ được ‘nếm đủ’.

Hãng rượu Rémy Martin có số tiêu thụ rượu lớn, hàng năm họ xuất cảng ra thị trường bên ngoài, khoảng 170 nước trên thế giới với con số 1.7 triệu két rượu. Thị trường tiêu thụ Remy Martin lớn nhất là Hoa Kỳ mà mức tiêu thụ của tiểu bang California lên đến trên 50% tổng sản lượng rượu nhập vào Mỹ. Nói đến thị trường tiêu thụ ở California, phải nói rằng người Mỹ gốc Á rất ưa chuộng loại rượu mạnh này. Tiêu thụ mạnh nhất là người Hoa và kế đến là người Việt, nên hiện tại công ty Rémy Martin đang đặc biệt quan tâm và nhắm vào hai thị trường tiêu thụ lớn này. Họ cũng không quên thị trường lớn mạnh ở Trung Quốc. Có lẽ vì vậy mà mới đây họ đã cho thay thế những nhãn hiệu trên các chai rượu với nền màu đỏ. Cổ chai rượu cũng được làm nhỏ đi và biểu tượng hình nhân mã không còn bị ràng buộc trong vòng tròn. Những thay đổi hình dáng bên ngoài để thu hút thị trường tiêu dùng, không ảnh hưởng đến phẩm chất của rượu Rémy Martin vì đó là tôn chỉ và là truyền thống từ bao đời của gia đình Rémy Martin.

So với thành phố Paris nhiều cảnh tuyệt đẹp và đời sống luôn nhộn nhịp tưng bừng ngày đêm thì làng Cognac chỉ là một vùng đồng quê với cuộc sống nhẹ nhàng, êm ả, hiền hòa. Phần lớn chúng tôi chỉ thấy những áng đồng trồng nho và hoa quả. Riêng gia đình Rémy Martin có đến 1,800 nhà trồng nho ở vùng này hợp tác để cung cấp nho hàng năm cho họ, cơ sở của công ty Rémy Martin ở vùng này có rất nhiều đất đai và bất động sản.

Chuyến đi thưởng thức rượu Rémy Martin tại làng Cognac, Pháp quốc ngắn ngủi nhưng đầy chi tiết và kỷ niệm. Trong năm ngày trời, tôi ngủ ít, đi và uống rượu nhiều nhưng vẫn thấy ‘high’, không mệt mỏi vì ‘excited’, được mở rộng kiến thức về hãng rượu nổi tiếng trên thế giới và biết thêm về đời sống nhộn nhịp của kinh đô ánh sáng với nền văn hóa phong phú. Nhất là được nếm nhiều loại rượu của hãng Rémy mà không phải... ‘móc tiền túi’. Tôi quả là một người may mắn.

Lịch Sử Rượu Rémy Martin

Ông Rémy Martin là người Pháp, sinh năm 1695, ông lớn lên và phụ giúp cha là ông Denis Martin chăm sóc vườn nho của gia đình nằm gần làng Rouillac thuộc tỉnh Charente.

Năm 1724, Rémy Martin lập gia đình khi có sự nghiệp vững vàng. Hãng sản xuất, canh tác và buôn rượu Rémy Martin ra đời.Ông là người duy nhất ở làng Cognac sáng lập nên một trong bốn hãng rượu cognac lớn nhất, ba hãng rượu còn lại do những nhà buôn và người ngoại quốc lập ra: Richard Hennessy người Ireland (lập hãng năm 1765); Jean Martell đến từ Jersey (lập hãng năm 1715); và Emmanuel Courvoisier (lập hãng năm 1835) là người gốc từ Paris, cũng được xem là người ngoại quốc!

Đặc biệt, ông Rémy Martin là người duy nhất trồng nho trong bốn nhà buôn rượu nổi tiếng lúc bấy giờ. Là một thương gia khôn khéo với nhiều sáng tạo, ông mau chóng phát triển những ruộng nho đang có và cho dự trữ thật nhiều rượu nguyên chất “eau-de-vie” tới tuổi. Ông rất được kính trọng và giàu có vào năm ông được 64 tuổi, khi đang chuẩn bị về hưu thì cậu Pierre, con trai của ông qua đời. Ông phải tiếp tục làm việc thêm 15 năm cho đến khi cháu nội ông là cậu Rémy II đủ khôn lớn để tiếp tục sự nghiệp của ông vào năm 1773.


Rémy II tiếp tục sự nghiệp phát triển vững chắc của ông nội, cai quản hãng rượu vượt qua được cuộc Cách Mạng Pháp và những năm hỗn loạn kế đó. Là một nhà chính trị lắm mưu mẹo, ông ta luôn đặt mình vào đúng vị trí chiến thắng và con trai ông, Rémy III, được hưởng một gia tài thương mại đáng kể.

Bình lọc rượu và biểu tượng nhân mã:

Năm 1850, con trai Rémy III là Paul-Emile đã dấn thêm một bước trong việc kinh doanh, dù chưa đạt được kết quả tức thời với quá trình chế tạo rượu cognac. Paul Emile đã mua một bình lọc rượu được đào lên ở một địa điểm gần Jarnac, của một chiến trường thời vua Louis XIII. Paul còn mua bản quyền tái sản xuất bình này nữa.

Năm 1870, Paul-Emile chọn hình con Nhân Mã (một con quái vật đầu người, mình ngựa) làm biểu tượng cho hãng rượu của mình. Biểu tượng như muốn khơi dậy tất cả hương vị cao quý, tuyệt hảo của rượu Rémy Martin mà bạn có thể tìm được khi bạn thưởng thức nó. Hình nhân mã này cũng tượng trưng cho truyền thống và sự nhìn xa trông rộng; sự sáng suốt và sự mạo hiểm, khôn ngoan và nhận biết hương vị của rượu Rémy Martin trên khắp thế giới. Paul-Emile mua bản quyền cho hình tượng này như đã mua cho bình lọc rượu. Loại bình này được đặt tên là Louis XIII làm nhãn hiệu cho rượu cognac vào năm 1874. Từ đó trở đi, những bình lọc rượu cognac uy tín và cổ xưa nhất là đặc quyền của hãng rượu Rémy Martin. Một năm sau. Paul-Emile qua đời ở tuổi 65.

Đời thứ tư:

Ở tuổi 22, Paul Rémy hưởng một tài sản thương nghiệp thịnh vượng của cha để lại và anh là một thanh niên trẻ có nhiều sáng kiến. Nhưng tai ương do loài sâu nhỏ xíu phylloxea giáng xuống vùng này khiến đến năm 1880, tỉnh Charente trở thành một vùng đất tiêu điều với những ruộng nho chết. Những nhà buôn và những người trồng trọt bị phá sản. Riêng Paul vẫn chèo chống yên lặng qua cơn khủng hoảng, vẫn tiếp tục đổ tiền vào tòa lâu đài vĩ đại của ông và ăn chơi hào phóng.

Hãng rượu dù sao vẫn đủ sức sống còn, cộng với sự khuyến khích của Paul, đã thiết lập Hiệu Rémy Martin tại Đức, Nga, Đan Mạch, Thụy Điển và những vùng lân cận. Hãng rượu còn lan qua đến cả Hoa Kỳ và Úc. Nhưng bên trong cái vỏ bề ngoài ấy, hãng ruợu gần như suy sụp. Vào năm 1910, Paul đến mượn ngân hàng môt số tiền khổng lồ. Chỉ có nguồn châm vốn bên ngoài mới cứu được hãng rượu này.

André Renaud: Người Hùn Vốn

André Renaud là người đã mang đến số tiền vốn đó, ông trở thành một cổ đông trong hãng Emile Rémy Martin & Cie. Tốt nghiệp luật sư, và là con trai của một nhà canh tác thành công, ông có một phẩm chất và trực giác rất thông minh. Vì vậy ông biết được hãng Rémy Martin, nổi tiếng với thứ rượu cognac có chất lượng cao chỉ còn được bảo vệ bởi những vùng đất có đặc quyền sản xuất rượu cognac do những người đi trước đã định ra. Renaud giữ vai trò một cổ đông lớn không lộ mặt trong 14 năm trời. Ông đã làm viễn cảnh của công ty thay đổi tốt hơn vào năm 1818 khi ông lập gia đình với Marie Frapin, người thừa kế một số lượng rượu nguyên chất tích trữ lâu đời lớn nhất tại Grande Champagne.

Năm 1924, Paul qua đời và André Renaud mua lại cổ phần của người góa phụ,đánh dấu một giai thoại mới: André Renaud thay đổi hãng rượu, khiến công ty Rémy Martin nổi tiếng hơn bao giờ hết mặc dù ông cho phát triển chậm nhưng chắc chắn. (Như tất cả các ông chủ hãng rượu cognac khác, họ được đặt bí danh là ốc sên, là có lý do.)

Đất Trồng Nho:

Ông tin tưởng rằng rượu cognac ngon nhất không chỉ nhờ vào năm tuổi của chúng mà còn nhờ vào vùng đất trồng nho mà ra. Nhờ đất mà thứ rượu nguyên chất có được hương thơm đặc biệt mà khi để lâu thì mùi vị càng thơm nồng. Không có được hương thơm đặc biệt đó, rượu để lâu năm cũng vậy thôi. Thứ rượu nguyên chất phức tạp nhất xuất phát từ miền Grand và Petite Champagne, hai vùng trung tâm của sáu miền đất trồng nho được tuyển chọn vào năm 1909. Vì vậy Rémy Martin chỉ dùng những vùng đất này trồng nho chế tạo rượu cognac.

Năm 1927, chai rượu V.S.O.P (VerySuperior Old Pale) đầu tiên xuất hiện. Loại rượu này, cho đến ngày hôm nay, được pha chế55% rượu cognac từ miền Grande và 45% rượu cognac từ miền Petite Champane. Đến đầu thập niên 1930, Rémy Martin V.S.O.P đã nổi tiếng trong những nhà hàng sang trong tại Paris và tại những vùng đất Á Đông. Năm 1936, để củng cố và phát triển uy tín của rượu Louis XIII, André Renaud tuyển chọn Pha lê Bacara để làm bình lọc rượu và đã nổi tiếng. Đó là một trong những loại Cognac mà mẫu thân của Nữ Hoàng từng dùng danh hiệu Nữ Hoàng Elizabeth thưởng thức trong một bữa tiệc quan trọng tại Versailles năm 1938.

Vào thế chiến thứ II , khi chiếm giữ Pháp, một vị chỉ huy người Đức nhìnđược giá trị của rượu sau chiến tranh nên trong vòng 4 tháng vào năm 1940 cho chiếm giữ cả 10 triệu chai rượu, bằng con số bán ra của 2 năm.

Người Hợp Tác:

Nhưng những hãng rượu Cognac vẫn sống còn, hãng Rémy Martin được ông André Hériard Dubreuil hợp tác, ông là con trai một nhà buôn Cognac, cưới cô con gái lớn của ông André Renaud tên Anne-Marie vào năm 1942. Cũng như bố vợ, là người có mắt quan sát nhưng thận trọng trong việc thay đổi và phát triển.

Trong vòng hai năm, André Hériard Dubreuil và bố vợ giúp cho hãng rượu phát triển mạnh trên thị trường. Số rượu bán ra trên thị trường lên tới 60 ngàn két và tăng dần cho đến năm 1965 khi ông André Renaud qua đời, ông André Hériard Dubreuil trở thành chủ tịch hãng Rémy Martin Cognac. Nhờ phẩm chất cao và số lượng bán ra khắp thế giới nên lượng tiêu thụ lên đến 300 ngàn két.

Ông André Hériard Dubreuil muốn giữ phẩm chất và hương vị của Cognacs Rémy Martin không thay đổi nên đã ký giao kèo trước nhiều năm với 1800 nhà trồng nho để dễ giám sát chất lượng và có giá cả công bằng.

Chai Mờ

Năm 1972. Kiểu chai mờ đục mới của V.S.O.Pra đời khiến cả thế giới ngạc nhiên, phần lớn được ưa thích bởi dân Mỹ và dân phía miền đông, nhất là những người dưới 35 tuổi. Xuất khẩu tăng gấp bốn lần từ năm 1974 đến 1982. Rượu Rémy Martin dẫn đầu trong làng rượu mạnh và được tuyển chọn là rượu tiêu biểu trong các loại rượu mạnh.

Trên thị trường lúc đó có sự khác biệt lớn giữa hai loại V.S.O.P. loại rượu được pha chế từ 240 loại Cognacs (có từ 4 đến 12 năm) và rượu Louis XIII được pha chếtừ 1200 loại Cognacs khác nhau (có từ 40 đến 100 năm). Nhưng thị trường lúc đó đòi hỏi có loại rượu lâu đời hơn, để đáp ứng điều đó, hãng Rémy Martin cho ra đời 2 loại ruợu mới: Rượu X.O Excellence có hai phần ba rượu nguyên chất được chưng cất từ Grande Champagne (có từ 8 – 20 năm). Rượu X.O Extra có 90% rượu nguyên chất từ Grand Champagne (có từ 35-50 năm). Rượu Louis VIII được pha 100% rượu nguyên chất từ Grand Champagne.

Hiện nay bà Dominique Hériard Dubreuil là chủ tịch của công ty Rémy Martin, một trong sốrất ít phụ nữ nắm quyền một công ty lớn ở Pháp, cô thay thế cha cô khi ông về hưu từ 20 năm trước và kể từ đó Rémy Martin luôn phát triển. Mua thêm nhiều hãng xưởng, lập ra đại công ty Rémy Cointreau Group như hiện nay. Bà Hériard Dubreuil cũng giống như cha của bà, có cách thay đổi riêng – cũng chậm rãi nhưng chắc chắn.

Năm 1995 công ty Rémy Martin lập ra trang web tên Rémy.com. Năm 1999 công ty có những sản phẩm bán rượu chung trong phần ăn gọi là Rémy Dinners. Năm 2000, một loại rượu Cognac mới ra đời Rémy Red. Năm 2001 hãng tung ra một số rượu có giới hạn và đặt tên Rémy Space.

Từ bao đời, hãng Rémy Martin cho biết họ luôn đặt phẩm chất và niềm tin của khách hàng lên hàng đầu để vượt trội các hãng bạn và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng không chỉ ở nước Pháp mà còn chú trọng đến khách hàng trên khắp toàn cầu.

Rượu Rémy Martin Louis XIII:

Không thể nghi ngờ về phẩm chất của loại rượu Rémy Martin Louis XIII, loại rượu hoàn hảo nhất của hãng Rémy. Năm 1850, một bình đựng rượu từ thời Phục hưng của thế kỷ 16 được tìm thấy gần làng Cognac, nơi có nhiều cuộc tranh chấp đẫm máu giữa những người theo đạo Công Giáo và Tin Lành.Ông Paul-Emile Rémy Martin rất yêu thích chiếc bình này nên mua để theo đó chế kiểu bình đựng loại rượu Cognac ngon nhất. Sau đó ông đã tặng chiếc bình cổ kia vào viện bảo tàng Cluny ở Paris.

Rượu Louis XIII được pha chế từ hơn 1,000 thứ rượu nguyên chất “eaux-de-vie” ở vùng Grande Champagne và tất cả những thứ rượu nguyên chất đó được cất trên một thế kỷ trong những thùng làm bằng gỗ sồi trồng tại Limousin hoặc Troncais. Thực ra thời gian cất giữ rượu bằng cả sự nghiệp ba đời của những bậc thầy thử rượu “Cellarmaster”, vì chỉ cháu ngoại hoặc cháu nội của những vị đã pha chế rượu mới được nếm thứ rượu Rémy Martin Louis XIII do tổ tiên của họ để lại.

Tháng 11 năm 2001, hãng Rémy Martin kết hợp với đại công ty Star Diamond, một công ty kim cương đá quý uy tín nhất thế giới, đưa ra thị trường tiêu thụ một sản phẩm mới với một con số giới hạn. Sản phẩm mới có tên: Louis XIII Cognac-Diamond Collection. Một chai Cognac Louis XIII mầu nâu đỏ để chung với một hạt kim cương màu hổ phách là một sự kết hợp sang trọng, quyến rũ. Giá một chai khoảng 40,000 đô la Mỹ.

Với những mùi vị, hương thơm hiếm có như mùi hoa iris, mùi thủy tiên, candies fruit (mùi kẹo), Passion fruit (mùi trái lạc tiên), vị trầm, vị mật o­ng và nhiều mùi vị khác, rượu Louis XIII de Rémy Martin là một loại rượu hoàn hảo, không thể nào quên vì chúng ta vẫn thưởng thức được mùi vị của nó cả một tiếng đồng hồ sau khi nếm qua.
Về Đầu Trang Go down
http://vietnamhoteliers.tk/ henryminh
 
Remy Martin
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Martin Yan quảng bá ẩm thực Việt Nam
» Trình chiếu 26 tập phim Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
VietnamHoteliers.Forum :: Forum :: Diễn đàn nghề Bàn-
Chuyển đến