Điểm nhấn được nhiều người dân và du khách đón chờ
nhất là nghi thức bắn súng thần công của chương trình Khai hội Văn hóa -
Du lịch do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR - VT) tổ chức dịp Tết nguyên đán
hàng năm.
Du khách tham quan bộ sưu tập pháo cổ trưng bày tại Bạch DinhChương trình Khai hội Văn hóa - Du
lịch (VHDL) 2012 tại BR - VT diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 10 Tết
Nguyên đán Nhâm Thìn (23/1 đến 1/2/2012).
Mở màn là Lễ xông đất các doanh nghiệp đầu năm vào mùng 1 Tết. Những
nghi thức quan trọng của buổi lễ bao gồm: dâng hương, đánh trống khai
xuân, tặng hoa cho vị khách nước ngoài đầu tiên xông đất, hái lộc đầu
năm...
Đáng chú ý, tại buổi lễ này có bắn 6 phát
súng thần công. Những phát súng thần công nổ rền vang mang ý nghĩa tỉnh
BR - VT chào mừng một năm mới gặp nhiều may mắn, kinh tế phát triển.
Ngoài ra, trong phần tiệc chúc xuân cũng trình diễn 2 đòn bánh tét, mỗi
đòn dài 3m và chiêu đãi khách.
Tiếp đó, tối mùng 5 Tết là chương trình khai hội VHDL huyện Tân Thành.
Nghi thức khai hỏa súng thần công
Đêm khai hội chính diễn ra tối mùng 8 Tết ,
theo đó, có 9 phát thần công được bắn xen kẽ với các tiết mục nghệ
thuật trong chương trình.
Tại Festival Biển BR - VT năm 2006, lần
đầu tiên những khẩu thần công sau bao năm ngủ yên đã được tỉnh BR - VT
đánh thức bằng cách phục chế và cho phát nổ, tái hiện nghi thức bắn
theo thời nhà Nguyễn. Sự kiện này đã thu hút đông đảo nhân dân trong
tỉnh, du khách trong và ngoài nước cùng các nhà khoa học lịch sử.
Từ ý tưởng phát triển nghi thức bắn súng
thần công thành sản phẩm du lịch, tỉnh BR - VT đã cho nghiên cứu và đúc
mới 3 khẩu thần công để bắn vào các dịp Khai hội VHDL và các ngày lễ
lớn trong năm. Ngoài việc kế thừa kỹ thuật và nghi thức bắn súng truyền
thống, nghi thức bắn súng thần công còn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật
để chế tạo thêm một số loại đạn để làm tăng hiệu ứng phục vụ người xem
như: đạn tạo tiếng nổ, đạn giấy, đạn cầu sắt, đạn cầu lửa, đạn tỏa ra
pháo hoa, đạn tạo biểu ngữ, khẩu hiệu, logo, cờ Tổ quốc…
Súng thần công khai thông năm mới
Bên cạnh đó, tại Vũng Tàu hiện còn tồn tại
di tích trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương nằm trên núi Lớn và núi
Nhỏ. Trong đó, di tích trận địa pháo cổ trên núi Lớn (hẻm 444 Trần Phú)
còn khá nguyên vẹn và du khách có thể ghé tham quan, chụp ảnh lưu
niệm.